Nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Hoàng Hạnh Nghi, Nguyễn Trọng Hưng, Phạm Thị Thu Hương vừa được trình bày tại Hội nghị Khoa học công nghệ trẻ lần thứ XI do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức, đã cảnh báo về tình trạng thiếu hụt vi chất và những vấn đề tâm lý trẻ có thể gặp phải nếu tình trạng biếng ăn không được điều trị.
Trẻ em nên được kiểm tra các chỉ số phát triển thể chất thường xuyên và phụ huynh nên đưa bé đi kiểm tra, tư vấn nếu trẻ ăn ít hoặc thiếu chuẩn nhiều |
Khảo sát 466 bệnh nhi 6 tháng đến 5 tuổi đến khám tại Phòng khám tư vấn dinh dưỡng số 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong vòng 10 tháng, nhóm nghiên cứu nhận thấy tới hơn 65% trẻ biếng ăn trải qua giai đoạn này ở độ tuổi dưới 2. Trong đó, trẻ 6 tháng – 1 tuổi chiếm 30%, trẻ 1-2 tuổi chiếm 35,6% trên tổng số bệnh nhi biếng ăn dưới 5 tuổi.
Đáng chú ý, 52,4% các trường hợp biếng ăn là không rõ nguyên nhân, 21,9% khác là do trẻ mắc một căn bệnh nội khoa nào đó. Tình trạng biếng ăn thường khiến trẻ suy dinh dưỡng (25,3%) hoặc nhẹ hơn là thiếu cân, không đủ chuẩn chiều cao. Có tới 47% trẻ biếng ăn bị thiếu máu và 45,3% bị thiếu kẽm.
Biếng ăn và những hậu quả của nó như thiếu chiều cao, cân nặng, thiếu vi chất không những ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ mà còn có tác động xấu đến sự phát triển nhận thức và hành vi. Theo nghien cứu, trẻ biếng ăn dễ mắc các dạng lo âu. Biếng ăn kéo dài trong suốt thời kỳ thơ ấu, thiếu niên có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong hòa nhập xã hội.
Lời khuyên của các chuyên gia là hãy coi biếng ăn kéo dài, nặng nề là một vấn đề sức khỏe cần được can thiệp. Trẻ biếng ăn nên được đưa đi khám ở các đơn vị chuyên khoa dinh dưỡng để có cách điều trị, bù đắp những thiếu hụt để bảo đảm quá trình phát triển thể chất – tâm sinh lý.
Theo Người Lao Động
0 nhận xét:
Đăng nhận xét