Tôi lấy chồng năm hai lăm tuổi. Gia đình tạm gọi là yên ấm, hòa thuận dù vợ chồng tôi không ở riêng mà sống chung cùng bố mẹ chồng. Nói chung tôi không phải là đứa con gái có tính hơn thua gì, bố mẹ chồng cũng thương hai đứa nên từ ngày chúng tôi cưới, đến khi tôi đủ hai mặt con, những va chạm với mẹ chồng chỉ là những điều nhỏ nhặt, không đáng kể. Nhưng tôi chỉ dám gọi là “tạm” yên bình, bởi đến một ngày “giặc bên Ngô” trở về tay ẵm tay bồng hai đứa nhỏ, em rể phía sau lưng vợ lếch thếch với hai vali đồ cồng kềnh báo hiệu một cuộc di cư căng thẳng, thì tôi biết những ngày sau đấy nhà tôi sẽ không còn không khí như trước nữa.
Ảnh minh họa |
Bố chồng tôi sầm mặt lại. Tôi biết ông không bằng lòng chút nào. Linh là con gái út, lẽ thường bố và con gái phải hợp nhau lắm. Nhưng Linh từ bé vốn tính đành hanh, luôn sợ hơn thiệt chưa bao giờ biết nhường nhịn người khác, dù bố có góp ý khuyên bảo Linh cũng nhất định không nghe. Mẹ chồng tôi thì lại chiều con gái, bà luôn cho rằng ông khắt khe quá với Linh...
Chuyện lục đục ra khỏi nhà chồng của Linh thực ra ai cũng dự liệu trước, khi mối quan hệ giữa Linh và mẹ chồng lúc nào cũng căng như dây đàn chực đứt, nay đá thúng mà đụng nia. Nay người này than thở, mai người kia giận dữ. Em rể thì nhu nhược, ở giữa mẹ và vợ nhưng không tìm được cách giải quyết nào ổn thỏa. Mẹ có cằn nhằn gì là Thắng lại lúng túng gãi đầu gãi tai: Mẹ đừng nói vợ con như thế... Thế nên câu nói không tế nhị ấy càng như đổ thêm dầu vào lửa.
Và là lần này thì bà quá giận dữ khi Linh lớn tiếng hỗn hào mà con trai ở đó thì lại cứ: mẹ chấp vợ con làm gì. Nó nóng nên nói thế chứ chả bụng dạ nào đâu... Bà đuổi, cả con dâu lẫn con trai.
Bố chồng tôi dù không hài lòng với cách xử sự của vợ chồng con gái với nhà thông gia, nhưng lòng bố mẹ nào chẳng thương con. Mẹ chồng tôi bảo:
- Phòng cũ của con đấy, dọn đi mà ở.
Thế là ngôi nhà ba tầng, ba cặp vợ chồng cùng bốn đứa trẻ con tá túc.
Tôi dự liệu những phức tạp của cuộc sống chung với em chồng để cố gắng dung hòa cho ổn thỏa. Nhưng thực tình sống chung với “giặc bên Ngô” quả là bài toán không đơn giản. Nhất là với một người như Linh, không phải tôi cứ trao đi yêu thương và nhường nhịn là sẽ nhận lại từ Linh như thế.
Thương con gái, mẹ chồng tôi không lấy tiền ăn, lại sẵn lòng chăm chút cháu ngoại để vợ chồng Linh chỉ có việc đi làm. Tôi chợ búa cơm nước đành ngó trước ngó sau cho vừa vặn với đồng lương eo hẹp. Thêm người, mọi chi phí dĩ nhiên tăng lên mà không một ai hỗ trợ thêm, tôi bắt đầu thấy chán.
Thi thoảng kêu với chồng, anh chỉ biết thở dài. Thì mẹ anh, em gái anh, anh biết nói sao. Đã vậy đồ ăn thức uống cho trẻ con từ hai giờ thêm hai thành bốn. Cháu thì có khác gì con đâu. Mua cái này cho con thì cháu cũng phải y hệt. Vậy nên, tôi ngao ngán nhìn cô em chồng tểnh tềnh tênh mặc kệ chị dâu xoay xở.
Ảnh minh họa |
Hai đứa con Linh, một lên ba, một lên năm tuổi. Hai con tôi thì một đứa bốn, một đứa bảy tuổi. Những đứa trẻ lít nhít chưa biết nhường nhịn nhau nên chành chọe suốt ngày. Các con tôi từ bé được dạy một nguyên tắc rất rõ ràng về đồ chung, đồ riêng. Khi đã là đồ của người khác thì luôn phải xin phép và được đồng ý chúng mới dùng và ngược lại.
Nhưng con nhà Linh lại khá tự do. Đã vậy, mẹ chồng tôi luôn mắng cháu nội lớn không biết nhường em. Rồi bà mắng lây sang tôi: là mẹ thì phải dạy con sống nhường nhịn. Em nó khổ thì nó mới phải về đây ở chứ...
Tôi ức phát khóc mà không dám phản kháng. Những đứa trẻ bốn năm tuổi chành chọe nhau đôi khi cũng là chuyện trẻ con thường tình, làm sao mà bà lại cứ phân biệt cháu nội cháu ngoại rồi lại mắng con dâu. Được nuông chiều vậy nên hai đứa rất nghịch ngợm, hay phá đồ. Có những ngày đi làm về nhìn nhà cửa bề bộn, phòng riêng của vợ chồng tôi chúng cũng phá tanh bành, tôi chỉ biết thở dài.
Đỉnh điểm, hôm tôi đi liên hoan cùng cả phòng trong công ty. Tôi đã xin phép bố mẹ chồng đàng hoàng, ông bà cũng vui vẻ đồng ý. Chồng tôi cũng thu xếp về sớm đón hai con ở trường về. Nhưng khoảng tám giờ tối tôi vừa vào cổng nhà, nhìn vào trong vẫn thấy nguyên cả căn nhà vẫn bày bừa đồ con trẻ. Linh đang khóc, nó gay gắt với bố chồng tôi: Bố không thương con gì cả. Bố chỉ chiều con dâu thôi. Bố thử xem có nhà ai, con dâu hết giờ làm còn la cà ở ngoài thế không?
Tôi đứng ngoài sân nghe mà chết sững cả người. Thế còn cô ấy, từ ngày về nhà ngoại ở, hai đứa con phó mặc luôn cho bà ngoại và chị dâu thì sao? Cô ấy lúc nào cũng thư thái như một người nhàn rỗi thì sao? Và có biết bao hôm cô ây đi liên hoan, đi sinh nhật, đi gặp gỡ cả vợ lẫn chồng đến tận đêm mới về thì sao?
Bố chồng tôi lớn tiếng: Mày vừa phải thôi. Mày về nhà này ở, có động vào tí việc nhà nào không? Sáng thì dậy muộn, con không phải cho ăn cũng không đưa đón đi học. Ăn ở mặc nhiên bắt người khác phải hầu mình. Được một tối chị nó đi vắng phải tự dọn mâm cơm mà mặt sưng lên... đến tao là bố đẻ mày tao còn ngứa mắt nữa là anh chị với bố mẹ chồng mày.
Tôi như nở từng khúc ruột vì từng lời của bố. Phải nói thêm là bố chồng tôi tuy nóng tính nhưng ông là người cực kì hiểu chuyện.
Hóa ra mọi chịu đựng "giặc bên Ngô" của tôi lâu nay ông hiểu cả.
Hóa ra không phải cứ mình nói ra miệng những suy nghĩ thì mới nhận được sự chia sẻ. Tôi lùi ra ngoài. Thôi cứ để gia đình chồng tự xử lí chuyện đó. Sức chịu đựng của mỗi người luôn có giới hạn cuối cùng. Lạ là lần này tôi thấy mẹ chồng đang lúi húi ở phía trong nhưng cũng không hề lên tiếng bênh con gái nữa.
Tôi biết, người hiểu chuyện như bố chồng, như chồng tôi luôn muốn nhà là nơi đi về để nghỉ ngơi, chứ không phải là chỗ mọi người cãi và, chịu đựng lẫn nhau. Và tôi tin bố chồng tôi sẽ biết cách làm thế nào để dung hòa được cả đôi đường.
Theo Phụ Nữ Online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét