Thế nhưng, chính vai ni cô Huyền Trang đã khép lại nghiệp diễn xuất của bà. “Quyết định ấy của tôi đã tạo ra nhiều tiếc nuối cho đồng nghiệp, người hâm mộ và cả những đồn đoán ác ý về cuộc sống đời tư của tôi,” nữ nghệ sỹ trải lòng.
“Tôi biết thế nào là đủ!”
– Bà khép lại nghiệp diễn khi đang ở đỉnh cao danh vọng, là một trong những “ngôi sao” sáng giá của màn ảnh Việt thập niên 80. Sau 30 năm nhìn lại, bà đã bao giờ tiếc nuối về sự lựa chọn ấy của mình không, thưa nghệ sỹ?
– Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan: Nhiều người cũng nói với tôi, nếu ngày ấy Thanh Loan tiếp tục con đường diễn xuất thì có lẽ, giờ này, tên tuổi của tôi đã phủ rộng hơn, gắn với những “bom tấn” khác và ở một vị thế khác. Tôi trân trọng quá khứ nhưng bản thân lại không thuộc tuýp người thường đặt ra những giả định (nếu… thì…) để cố tìm một đáp án khác cho kết quả nhận được từ các quyết định từ quá khứ.
Tôi không nuối tiếc vì quyết định trong quá khứ; thay vào đó, tôi luôn cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực để cuộc sống thanh thản, nhẹ nhõm. Dù đứng trong hàng ngũ U70 lâu rồi nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã… già! (cười).
Năm 2016, nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan (thứ tư từ trái sang) gây bất ngờ khi trở thành người mẫu đặc biệt tại Festival Áo dài Hà Nội. (Ảnh: Nghệ sỹ cung cấp) |
– Có ý kiến cho rằng, bà không đóng phim nữa vì nỗi sợ không vượt qua được cái bóng quá lớn của chính mình sau vai Ni cô Huyền Trang. Bà nghĩ gì về điều này, thưa nghệ sỹ?
– Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan: Là người trong cuộc, với tâm thế của một diễn viên và một người vợ, người mẹ, tôi hiểu ‘thế nào là đủ,’ đâu là điểm dừng và điều gì là cần thiết, quan trọng với mình trong những thời điểm khác nhau của cuộc đời.
Sau vai Ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn,” tôi cũng nhận được nhiều lời mời đóng phim. Tuy nhiên, khi đọc những kịch bản này, tôi thấy nhân vật không có sức nặng tâm lý và “đất” diễn nội tâm như vai ni cô Huyền Trang. Bởi thế, tôi đều lần lượt từ chối và rồi quyết định, sẽ khép lại nghiệp diễn xuất của mình.
Tôi từng tham gia nhiều phim như “Người về đồng cói,” “Bài ca ra trận,” “Đôi mắt” hay “Phương án ba bông hồng”… nhưng “Biệt động Sài Gòn” thực sự là bệ phóng để tên tuổi của tôi đến gần hơn với công chúng. Không ít khán giả chia sẻ rằng, họ không biết tên thật của tôi. Nếu gặp tôi ở ngoài đời, họ vẫn gọi tôi là ni cô Huyền Trang. Vai diễn ấy đã đóng đinh tên tuổi của tôi trong lòng người hâm mộ.
Thế nên, tôi quyết định dừng lại nghiệp diễn xuất để giữ cho hình ảnh ấy những ấn tượng, ký ức đẹp đẽ với nhiều thế hệ khán giả. Tôi cũng không chạnh lòng khi nhiều ý kiến cho rằng, tôi sợ mình không vượt qua được cái bóng quá lớn của vai diễn ấy bởi sau khi kết thúc “Biệt động Sài Gòn,” tôi vẫn tự nhủ, phải có vai nào “nặng” hơn về mặt tâm lý nhân vật, có nhiều đất diễn hơn thì mới nhận lời hóa thân.
Nhan sắc nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan thời trẻ. |
Thời điểm những năm 1970s, 1980s, tôi đảm nhận vai trò phát thanh viên của truyền hình quân đội, rồi chuyển sang truyền hình công an nên không thể cứ mải miết theo nghiệp diễn viên. Hơn nữa, thời điểm ấy, việc thực hiện một bộ phim thường diễn ra trong thời gian dài. Ví dụ như việc quay “Biệt động Sài Gòn” kéo dài tới 4 năm. Tôi thường xuyên vắng nhà, trong khi các con thì ngày một lớn khôn. Người phụ nữ dù thành danh, nổi tiếng đến đâu thì cũng cần trở về với gia đình. Đây cũng là một phần lý do quan trọng để tôi đi đến quyết định cuối cùng.
Thú thực, khi nhìn bạn bè tất bật, say mê với những dự án, vai diễn, nếu nói rằng không có chút nào xao xuyến, nôn nao trong lòng thì không phải; nhưng tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Tôi chia tay nghiệp diễn viên nhưng không chia tay phim trường. Trong quá trình làm phát thanh viên, tôi có tham gia học đạo diễn, rồi sau này chuyển sang làm đạo diễn phim (chủ yếu làm phim tài liệu).
Sau 30 năm vẫn là một tượng đài
– Sau hơn ba thập kỷ kể từ ngày ra mắt, “Biệt động Sài Gòn” vẫn là một trong những tượng đài của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Theo bà, điều gì đã làm nên sức sống lâu bền của bộ phim?
– Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan: “Biệt động Sài Gòn” (kịch bản: Lê Phương-Nguyễn Thanh, đạo diễn: Long Vân) gồm bốn tập: “Điểm hẹn,” “Tĩnh lặng,” “Cơn giông” và “Trả lại tên cho em.”
Đây là bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh Việt, tái hiện những chiến công của các chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Đó là một lực lượng đặc biệt ở đô thị miền Nam từ khoảng những năm 60s, có những đóng góp quan trọng vào chiến thắng chung 30/4/1975. Họ nương náu trong dân, được quần chúng che chở và thực hiện nhiều nhiệm vụ hiểm nguy như: liên lạc, điều tra tình hình địch, tác chiến trực tiếp…
Bề ngoài, “Biệt động Sài Gòn” là một bộ phim chiến tranh với những cảnh tượng bom mìn, chiến trận đổ máu… Thế nhưng, đạo diễn Long Vân đã không đơn thuần để cho “đứa con tinh thần” của mình trở thành một bộ phim tuyên truyền về sức mạnh của quân ta, sự tài trí của lực lượng biệt động thành cũng như những mặt hạn chế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Theo tôi, một trong những lý do quan trọng để làm nên sự khác biệt của “Biệt động Sài Gòn” chính là việc khắc họa tâm tư, tình cảm của những nhân vật ở cả hai đầu chiến tuyến. Ẩn sâu trong đó là thông điệp về khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc. Đây là một cách tiếp cận rất nhân văn.
Từ việc tái hiện chân thực làn sóng đấu tranh cách mạng sục sôi, ông cắt nghĩa, lý giải một cách khách quan những yếu tố tạo nên sức mạnh và thành công của lực lượng biệt động thành. Bên cạnh những phân đoạn tái hiện cảnh chiến đấu khốc liệt là những phân đoạn diễn tả sâu sắc nội tâm nhân vật – điều này góp phần quan trọng giúp cho “Biệt động Sài Gòn” tránh được sự hô hào khẩu hiệu khô cứng về tinh thần chiến đấu và chiến thắng.
– Quan điểm, cách thức làm phim như vậy hẳn đã tác động sâu sắc tới bà và trở thành một phần lý do để sau này, trong vai trò đạo, bà đưa khá nhiều nguyên mẫu ngoài đời lên phim?
– Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan: Trong suốt quá trình xâm nhập thực tế, gặp các nguyên mẫu ngoài đời (ni cô Diệu Thông, đại tá Nguyễn Đức Hùng – nguyên chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định…), quay phim và nhiều năm sau này, tôi bị ám ảnh và không nguôi day dứt, dằn vặt về số phận, cuộc đời của những chiến sỹ biệt động thành.
Trong phim, tôi đặc biệt thích phân cảnh về cuộc hội ngộ ngắn ngủi rồi chia ly nhanh chóng giữa ni cô Huyền Trang và chiến sỹ biệt động Tư Chu. Nguyên mẫu nhân vật của tôi ngoài đời đi tu từ nhỏ. Trong phim, để che mắt kẻ địch, nhân vật của tôi hóa thân thành ni cô Huyền Trang và phải chôn giấu mối tình cảm với chiến sỹ biệt động Tư Chu.
Một cảnh phim “Biệt động Sài Gòn.” (Ảnh tư liệu: Hãng Phim truyện Việt Nam) |
Không ít lần, ni cô Huyền Trang tê tái con tim khi chứng kiến người mình yêu sống trong vỏ bọc ông chủ hãng sơn Đông Á cùng một người phụ nữ khác (cũng là một chiến sỹ biệt động thành đóng giả làm vợ ông chủ hãng sơn). Trong một lần, tổ chức thông báo về một cuộc gặp bí mật. Ni cô Huyền Trang đã đi từ sự hồi hộp của việc không biết mình sẽ gặp ai đến sự vỡ òa cảm xúc khi gặp Tư Chu, sự nhẹ nhõm khi hóa giải được mọi hờn ghen, ngờ vực trong lòng đến phút nghẹn giọng khi phải tiếp tục chia xa người mình yêu.
Sau này, tôi thích làm phim tài liệu về những nguyên mẫu ngoài đời, đặc biệt là những nhân vật mà tuổi trẻ gắn với quá trình đấu tranh của cả dân tộc vì độc lập, tự do (ví dụ như phim “Trinh sát nội thành” nói về những chiến sỹ tình báo hoạt động trong lòng Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Ở vai trò đạo diễn, từ những trải nghiệm và tích lũy của bản thân, tôi luôn cố gắng tiếp cận, khai thác, lý giải và thể hiện các câu chuyện từ góc độ những suy nghĩ thầm kín của con người, để dẫn dắt người xem khám phá thế giới nội tâm nhân vật. Tôi luôn muốn xoáy sâu vào những phận đời để làm nổi bật bối cảnh chung.
Nếu thông điệp không được truyền đi từ những câu chuyện, chia sẻ thực, nhân văn thì sẽ vô cùng khô cứng, khó đi vào lòng người.
– Tôi được biết, thời gian gần đây, bà còn tham gia viết kịch bản phim. Vậy là từ một diễn viên, bà rẽ ngang sang nghiệp đạo diễn và giờ trở thành nhà biên kịch. Vậy có khi nào, ni cô Huyền Trang năm xưa khép lại một vòng tròn, trở về với xuất phát điểm – một diễn viên không, thưa nghệ sỹ?
– Nghệ sỹ ưu tú Thanh Loan: Tôi nghĩ là không. Nếu trở lại làm diễn viên thì tôi đã trở lại lâu rồi, không cần chờ đến bây giờ.
Tôi viết kịch bản vì tự nhận thấy, trên đường đời, mình đã gặp nhiều nhân vật, câu chuyện rất thú vị, sâu sắc; nếu không viết lại, dựng lại thì sẽ rất tiếc. Hơn nữa, bản thân tôi luôn muốn làm việc. Công việc mang đến niềm vui sống rất lớn, để thoát được sự ì ạch của tuổi đời.
Tôi thấy mình khó theo được nhịp độ làm phim bây giờ nên sẽ không trở lại vai trò diễn viên. Tôi hiểu rằng, với sức ép thời gian, sự hỗ trợ của công nghệ, kinh phí đầu tư, sự cạnh tranh… những bộ phim bây giờ được làm khá nhanh chóng, nhất là phim truyền hình. Điều này khác hoàn toàn với cách làm phim thế hệ chúng tôi. Trước đây, một bộ phim được sản xuất vô cùng trau chuốt, kỳ công. Diễn viên trước khi nhập vai đều có thời gian thâm nhập thực tế, tự mường tượng về cuộc đời, số phận nhân vật để hóa thân.
Thế nhưng, hiện nay, diễn viên có khi còn không thuộc lời thoại. Thư ký trường quay vẫn phải đứng nhắc lời. Lời thoại không thuộc, tình huống phim không làm chủ được thì khó mà diễn cho tới được, nhất là với những cảnh tâm lý. Đây cũng là một phần lý do mà sau khi từ giã nghiệp diễn, tôi chủ yếu làm phim tài liệu.
Trân trọng cảm ơn bà về những chia sẻ!
Theo Vietnamplus
0 nhận xét:
Đăng nhận xét