Nhận thức về phương pháp dạy học tích cực còn hạn chế
Sự phát triển hay một cuộc cách mạng trong khoa học giáo dục thực chất là tạo tiền đề để những nhân tố tích cực trong lòng cái cũ vẫn có cơ hội phát triển, đồng thời tạo ra cái mới tiến bộ hơn, tốt hơn cái đã có. Cách mạng, đổi mới không phải dung hòa để làm “hơi khác hay tương tự cái đã có” mà phải có cái mới thực sự để đáp ứng được đòi hỏi của sự tiến bộ. Điều đó là tất yếu, trước tiên là trong nhận thức của từng giảng viên.
Nhưng hiện nay, một bộ phận giảng viên chưa có nhận thức đúng về phương pháp dạy học tích cực, cho rằng phương pháp dạy học này cũng không có gì khác biệt nhiều so với phương pháp cũ, nên cứ dạy phương pháp truyền thống: đọc – chép, người dạy là trung tâm, miễn sao là mang lại hiệu quả, học sinh hiểu bài, thi đậu, trả bài điểm cao là được. Nhận thức, suy nghĩ đơn giản như vậy không chỉ không tạo ra cơ hội tiếp cận với phương pháp mới, hạn chế trình độ, năng lực chuyên môn của giảng viên, mà còn ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các thầy cô giáo khác ở cùng khoa, cùng trường luôn có nhu cầu tiến thủ, muốn tiếp cận và khát khao đổi mới cách thức dạy học để thu hút, hấp dẫn học sinh. Theo cách đó, những hạn chế trong nhận thức về phương pháp dạy học này đã và đang là nhân tố kìm hãm người giảng viên tiến bộ, hạn chế chất lượng giáo dục và đào tạo của các nhà trường.
Vận dụng phương pháp dạy học tích cực nhưng xác định mục tiêu chưa rõ, còn thụ động trong quá trình dạy học
Trên thực tế, một số giảng viên trong quá trình giảng dạy dù đã cố gắng đổi mới, vận dụng phương pháp dạy học tích cực nhưng lúng túng, gợi mở không khéo, nhiều trường hợp lan man, không định hướng sát với nội dung bài học. Có giảng viên đã cố gắng tìm tòi, áp dụng các phương pháp như hỏi đáp, nêu, giả định các tình huống sư phạm, tiến hành phân chia, thảo luận theo nhóm… nhưng nhìn chung vẫn rất gượng ép, không linh hoạt, thiếu sức thu hút sinh viên, vì vậy hiệu quả chưa cao.
Từ việc nhận thức về phương pháp dạy học tích cực còn hạn chế, cộng với việc phương pháp giảng dạy tích cực phức tạp, yêu cầu cao, gắn với sử dụng các phương tiện khoa học, kỹ thuật hỗ trợ. Phương pháp mới, như bài học minh họa, theo chủ đề… yêu cầu giảng viên phải tốn thời gian, phải vất vả tìm tòi, sáng tạo nhiều trong khâu thiết kế, soạn bài, chuẩn bị, sử dụng nhiều phương án, tình huống sư phạm, chuyên môn để dẫn dắt, gợi mở học sinh tìm hiểu, suy nghĩ, tư duy…
Để thành công với phương pháp mới đòi hỏi giảng viên cần chủ động trong giáo trình, thiết kế giờ giảng, kiên trì và không ngừng học hỏi, trau dồi thực tế, luôn vận dụng kiến thức đã có vào quan sát và ứng dụng vào thực tiễn… Trong khi phương pháp truyền thống có phần nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Điều đó đã làm cho xu hướng tâm lý của một bộ phận giảng viên thích sử dụng phương pháp cũ. Nghĩa là giảng viên không chủ động nghiên cứu, vận dụng phương pháp dạy học mới, luôn ở trạng thái thụ động, nó đã và đang là rào cản, kìm hãm sự phát triển năng lực, trình độ của giảng viên, làm cho phương pháp dạy học mới không được phát huy, chất lượng giáo dục và đào tạo bị ảnh hưởng.
Thiếu biện pháp tích cực hóa sinh viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, lỗi thời…
Nhiều sinh viên có thói quen lười làm bài tập, ngại tư duy trong quá trình học, nhất là những sinh viên năm đầu khi tiếp xúc với những môn học có tính lý luận, trừu tượng cao như Triết học, Kinh tế chính trị, lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh... Sinh viên phần nhiều ảnh hưởng lớn của phương pháp dạy học cũ, vẫn là trong giờ học, thầy giảng trò nghe và ghi chép. Sự thiếu tích cực trong học tập của sinh viên cũng làm giảm sự nhiệt tình của giảng viên và như vậy việc dạy và học trở nên nhàm chán, mang tính đối phó. Phương pháp dạy học tích cực thực chất là đi vào khắc phục những hạn chế, thiếu sót đó. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả lại phụ thuộc vào khả năng tích cực hóa sinh viên của giảng viên.
Giảng viên hiện nay không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người hỗ trợ sinh viên hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin. Vị trí của nhà giáo không phải được xác định bằng sự độc quyền về thông tin và tri thức có tính đẳng cấp mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình trong quá trình dẫn dắt sinh viên tự học.
Để áp dụng phương pháp dạy học tích cực có hiệu quả đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đầy đủ và đáp ứng phù hợp với thực tiễn. Chương trình, nội dung đào tạo đổi mới phải đồng bộ với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhưng hiện nay kinh phí đầu tư còn hạn hẹp. Nhiều bài dạy giảng viên muốn có thêm một số phương tiện, vật dụng, đồ dùng khác thì gặp khó khăn, trong khi áp lực công việc tại trường học ngày càng nhiều…Tất cả những lý do đó phần nào khiến chất lượng một bài giảng bị giảm đi và trở thành rào cản trong việc vận dụng phương pháp dạy học tích cực của giảng viên.
Cách mạng, đổi mới không phải dung hòa để làm “hơi khác hay tương tự cái đã có” mà phải có cái mới thực sự để đáp ứng được đòi hỏi của sự tiến bộ. Điều đó là tất yếu, trước tiên là trong nhận thức của từng giảng viên.
Theo Th.S Bùi Văn Mạnh (giaoducthoidai)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét