Ngày 28/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Theo đó, trong kì thi trung học phổ thông quốc gia 2018, quy chế thi chỉ có một số thay đổi mới nổi bật như:
Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài thi sẽ làm tròn đến hai chữ số thập phân (Hiện nay quy định bài thi được lấy đến 0.25, không quy tròn điểm).
Bỏ quy định thí sinh tự do chưa tốt nghiệp trung học phổ thông không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận không vi phạm pháp luật.
Bỏ quy định tước quyền dự thi trong hai năm tiếp theo đối với trường hợp thí sinh giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, để người khác thi thay.
Bỏ cộng điểm ưu tiên đối với con của người được hưởng chính sách như bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Còn về các quy trình, cách thức tổ chức coi thi, chấm thi ở năm nay không có gì khác so với năm 2017.
Trước khi kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 diễn ra, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 17/6/17, tôi (Đỗ Tấn Ngọc) từng có bài phản ánh đáng chú ý: “Thầy giáo thắc mắc điểm chưa rõ khi coi thi bài tổ hợp trong kì thi quốc gia”.
Chính thức công bố những thay đổi mới nhất ở kỳ thi quốc gia 2018
Xin trích dẫn nguyên văn lại một số đoạn quan trọng trong bài viết trên:
“Với thời gian ngồi làm bài quá lâu (3 tiếng đồng hồ) nhiều thí sinh có nhu cầu đi vệ sinh, uống nước, nhất là vào thời gian giao nhau 10 phút giữa môn thi này với môn thi kia cùng một lúc thì điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát có giám sát thí sinh nổi không?
Tôi được biết, nhiều thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi trung học phổ thông quốc gia năm nay (2017) đang tranh luận và rất phân vân về việc 10 phút giao nhau giữa môn thi trước và môn thi kế tiếp có nên cho phép đồng loạt hay giới hạn thí sinh ra ngoài phòng thi… hay không?
Qua văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi hiểu là mọi thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm các bài thi tổ hợp, trừ những trường hợp thật sự cần thiết (như khoản K, điểm 4, điều 14 đã quy định).
Có một số giáo viên còn lo ngại sâu xa, nếu không đồng bộ, thống nhất trong cách thực hiện Quy chế, nếu thiếu chặt chẽ trong khâu giám sát thí sinh khi ra ngoài phòng thi... ở các bài thi tổ hợp thì dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó kiểm soát.
Thậm chí đây là “kẽ hở” để thí sinh có thể trao đổi bài lẫn nhau (vì các phòng thi cùng một quy luật đánh số báo danh, cùng một loại mã đề thi giống nhau…). Nỗi lo xa này không phải không có căn cứ”.
Thực tế, kỳ thi trung học phổ thông Quốc năm ngoái, tại một số hội đồng coi thi, điểm thi đã xảy ra tình trạng thí sinh xin ra ngoài uống nước, đi vệ sinh…khá lộn xộn, không kiểm soát được.
Sau khi thi xong, một số em (trong cùng phòng thi và khác phòng thi) thừa nhận đã trao đổi, “trợ giúp” cho nhau những câu khó trong thời gian giao nhau 10 phút giữa môn thi trước và môn thi kế tiếp tại nhà vệ sinh của điểm thi.
Hai phương án tổ chức bài thi tổ hợp trong kỳ thi quốc gia 2018
Nhờ bạn “trợ giúp” có thí sinh đã làm đúng thêm được hàng chục câu hỏi trong các môn thi thành phần.
Từ bài viết trên của tôi và qua nắm bắt thực tiễn ở kỳ thi năm 2017 mà mới đây (ngày 27/4) tại cuộc gặp các phóng viên để cung cấp thông tin về việc chuẩn bị thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho biết:
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay có một số thay đổi mang tính kỹ thuật, ví dụ quy định rút ngắn thời gian giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp từ 20 phút xuống còn 10 phút.
Yêu cầu cán bộ coi thi phối hợp với cán bộ giám sát chỉ cho từng thí sinh có nhu cầu đặc biệt ra ngoài phòng thi để đảm bảo không xảy ra rối loạn và tránh những tiêu cực có thể phát sinh.
Chưa kể, trong quá trình làm bài thi tổ hợp, nhiều thí sinh còn có “chiêu” ghi câu hỏi khó, chưa trả lời được xuống bàn, ghế, vào tay, vào thẻ dự thi ở môn thi trước để tiếp tục giải quyết ở thời gian của môn thi tiếp theo khi mà phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm (tích hợp 3 môn thành phần) vẫn thuộc về thí sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biết rõ “kẻ hở”, điểm yếu của 10 phút giao nhau trong Quy chế thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 và bị một số thí sinh “thông minh” khai thác thành công rồi thì Bộ phải thể chế hóa ngay điều ấy vào trong Quy chế thi trung học phổ thông năm 2018 hoặc có thêm ý bổ sung trong văn bản hướng dẫn thi chi tiết sắp tới.
Chứ mới nói miệng như thế, có người biết, có người chẳng hay… rất thiếu đồng bộ.
Quan trọng hơn cả, tất cả hội đồng coi thi cần quán triệt thật kỹ lưỡng và các cán bộ coi thi đều phải thực hiện đúng Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và các văn bản hướng dẫn khác để kỳ thi, khâu tổ chức coi thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng với mọi thí sinh.
Theo Đỗ Tấn Ngọc (Giáo Dục VN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét